CN, 02 / 2022 10:19 chiều | vids

GS- TS. Nguyễn Thị Doan – TS Thang văn Phúc

I .Sự phát triển nhận thức lý luận về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

  • Nhận thức chung :

Sự nghiệp Đổi mới từ 1986 đã đem lại những thành tựu to lờn trong phát triển kinh tế -xã hội đất nước, giữ vững ổn định chính trị, hội nhập quốc tế  sâu rộng , đặc biêt những đổi mới trong tư duy lý luận , làm thay đổi nhận thức về con đường phát triển của đất nước, nhất la từ sau Cương lĩnh 1991 của Đảng. Ngày nay, khi nghiên cứu về cơ cấu tổ chức  xã hội phát triển , các nhà khoa học và chính trị ở nước ta đã nhận thức được rằng: xã hội nào cũng được cơ cấu bởi 3 bộ phận như ba chân kiềng được gọi là tam giác phát triển ( hay 3 trụ cột phát triển trong Báo cáo Việt Nam 2035 đã xác định ) bao gồm: Kinh tế, nhà nước và khu vực phi nhà nước (khu vực xã hội theo nghĩa hẹp). Theo đó, trong một xã hội hiện đại văn minh và dân chủ thì: (i) thể chế kinh tế phải là kinh tế thị trường; (ii) Nhà nước phải được tổ chức và vận hành theo các nguyên tắc pháp quyền (nhà nước pháp quyền) và (iii) khu vực xã hội phải được thừa nhận, bảo vệ với  vai trò tích cực của chúng là khu vực xã hội dân sự.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tam giác phát triển này đã có ít nhiều điểm khác so với những nhận thức về những giá trị chung và phổ quát của nhân loại. Theo đó, Kinh tế thị trường được định hình là kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nhà nước pháp quyền chủ yếu thường được hiểu là bộ máy nhà nước XHCN, của dân, do dân, vì dân; còn xã hội dân sự vẫn chưa được chính thức sử dụng trong các văn bản chính trị ,pháp luật.

Từ nền tảng kinh tế- xã hội và tư tưởng trên đây và để hiện thực hóa đường lối đó của Đảng , giới học thuật và hoạch định chính sách ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu và đạt được không ít những bước tiến về nhận thức lý luận, thể hiện cái chung của nhân loại và cái riêng của chính thể CHXHCN Việt Nam đã và đang được thực hiện trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước. Tuy nhiên, xuất phát từ quan niệm truyền thống và lịch sử, đặc biệt khi nhấn mạnh cái riêng của Việt Nam trong mối quan hệ với cái chung của nhân loại thì “nhận thức vẫn còn là một quá trình”,do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cũng còn những vấn đề chưa rõ và tiếp tục nghiên cứu.

  1. Cơ sở kinh tế thị trường của nhà nước pháp quyền

Vấn đề  hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là cơ sở của nhà nước pháp quyền Việt Nam cần đặt trong lý luận và thực tiễn nước ta .Để chuyển sang nền kinh tế thị trường , Việt Nam đã phải trải qua một chặng đường dài tìm tòi, đấu tranh và thỏa hiệp về tư duy lý luận, lý tưởng và nhận thức khoa học. Đến nay, những nhận thức lý luận về kinh tế thị trường đã đạt được là:

– Kinh tế thị trường không phải là riêng hay con đẻ của CNTB; nó là cách tổ chức và vận hành một nền kinh tế tiên tiến và có hiệu quả nhất cho đến nay. Bản thân nó có các quy luật vận động nội tại như cung cầu, cạnh tranh, giá trị và không chấp nhận sự can thiệp của nhà nước, trừ khi nó không thể tự điều chỉnh được. Sự can thiệp thái quá của nhà nước dẫn tới làm méo mó nền kinh tế thị trường và đưa tới những hậu quả nhãn tiền. Nhận thức này cũng đã được xác định rất rõ ở Việt Nam, cho dù nó vẫn còn có ý kiến khác nhau. Từ đây, quan niệm về cải cách để có “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” hay “nhà nước cầm lái, không chèo thuyền” trên thực tế đã trở thành nhận thức chung được thể hiện trong đời sống kinh tế và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta .

 

– Trong kinh tế thị trường, quyền lực nhà nước (quyền lực công cộng) phải tự kiềm chế, buộc phải trở về đúng vị trí của nó và nhường chỗ cho quyền tự do kinh doanh, được ghi nhận trong Hiến pháp, theo đó, người dân và các doanh nghiệp được tự do làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm đây là một nguyên tắc điển hình trong nhà nước pháp quyền . Mọi giới hạn của quyền tự do kinh doanh vì những mục tiêu hiến định đều phải được tiến hành theo những trình tự và thủ tục pháp lý nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, động lực phát triển của kinh tế thị trường là cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước trong kinh tế thị trường phải bảo vệ và bảo hộ cạnh tranh công bằng, chống và cấm mọi hành vi sử dụng quyền lực nhà nước can thiệp làm méo mó thị trường .

– Trong kinh tế thị trường, nhà nước có thể tham gia vào thị trường cạnh tranh nhưng phải lưu ý:

+ Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp phải được tách bạch với chức năng và vai trò của Nhà nước với tính cách là chủ thể của quyền lực công .

+ Mọi doanh nghiệp có vốn của nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật và được sự quản lý của nhà nước. Kinh tế thị trường cấm mọi sự phân biệt đối xử về chính sách, về pháp luật và về quản lý.

Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường, nhìn từ góc độ quan hệ với nhà nước, có một số vấn đề  cần làm rõ như sau:

Một là, Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình quốc gia cụ thể mà không có tiền lệ trong lịch sử kinh tế thị trường. Đây có thể là sự „sáng tạo vĩ đại” của Đảng ta. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ triển khai thực hiện, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa được hình dung và thiết kế chi tiết;

Hai là, với mong muốn lấy kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo làm dấu hiệu nổi trội để „định hướng xã hội chủ nghĩa” còn chưa ổn, Bởi lẽ, (i) xét về lý thuyết cũng như như thực tiễn, không có một nền kinh tế thị trường nào mà ở đó, khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; (ii) nhà nước luôn có chức năng xã hội nên việc nhà nước tham gia thị trường, là cần thiết nhưng cơ bản không vì mục tiêu kinh tế, nhà nước không làm kinh tế; (iii) nếu lấy năng xuất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo thì khu vực kinh tế nhà nước ở mọi nơi, trong đó có Việt Nam chưa bao giờ vượt trội và (iv) tính chủ đạo của một thành phần kinh tế trong thị trường không thể đo bằng tỷ trọng đầu tư xã hội vào nền kinh tế. Khu vực này chiếm tỷ trọng càng lớn thì, do kém hiệu quả, nên lãng phí xã hội càng nhiều và như thế, nó mâu thuẫn với nguyên lý „nhà nước nhỏ, xã hội lớn”.

Ba là, Mặc dù nhận thức lý luận đã tương đối rõ và trên thực tế nó đang dần đi vào chính sách và pháp luật trong trật tự nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hành động thực tế vẫn còn khoáng cách khá xa với nhận thức lý luận thậm chí so với yêu cầu của Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể là:

– Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam (trong đó có hệ thống tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước) chưa được hoàn thiện, còn lạc hậu so với yêu cầu của kinh tế thị trường cũng như tư tưởng chính sách kinh tế của Đảng và pháp luật của nhà nước mà trước hết là yêu cầu của hội nhập kinh tế.

– Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế chưa thực sự có chuyển biến mạnh mẽ theo kịp tư duy và yêu cầu của thể chế  kinh tế thị trường . Nhà nước đang chuyển từ vai trò quản lý , „ cai trị „ sang vai trò phục vụ, vai trò kiến tạo phát triển, chính phủ kiến tạo – hành động đang là phương châm tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ,của xã hội hiện nay.

– Quan trọng hơn cả là mô hình và kịch bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được định hình rõ nét. Các nghiên cứu và tìm tòi về lý luận vẫn chưa có bứt phá sáng tạo con đường phát triển phù hợp.

  1. Quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Nhà nước pháp quyền là một lĩnh vực mà khoa học chính trị và pháp lý đã được quan tâm nghiên cứu từ lâu và đã được ghi nhận lần đầu tiên ở nhà nước Việt Nam trong Hiến pháp 1992 phiên bản 2001. Cương lĩnh 1991 mới xác định chuyển từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước có tính pháp quyền . Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, nhận thức về nhà nước pháp quyền còn sơ khai, đơn giản, còn hiểu nhà nước pháp quyền là một kiểu hay hình thức nhà nước; nhà nước pháp quyền đồng nghĩa với pháp trị (tuân thủ pháp luật); nhà nước pháp quyền là nhà nước có nhiều luật (càng nhiều luật càng tốt); nhà nước pháp quyền là một nhà nước hiện thực với một bộ máy nhà nước cụ thể…

Sau thời gian dài nghiên cứu và nhận thức lý luận từ 1991của các nhà khoa học và lãnh đạo, quản lý nhà nước , ngày nay, chúng ta đã tiếp cận những giá trị căn bản của nhà nước pháp quyền :

– Nhà nước pháp quyền không phải là là một hình thức nhà nước và cũng không phải là một nhà nước hiện thực hay bộ máy nhà nước. Nó là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước gắn liền, đặt trong tương quan với pháp luật, sự thượng tôn pháp luật với một tập hợp những yếu tố, nguyên tắc.

Nhà nước pháp quyền là hiện tượng có tính phổ quát. Tuy nhiên, không có mô hình nhà nước pháp quyền chung cho mọi quốc gia. Tất cả các nhà nước được xây dựng, tổ chức theo hướng nhà nước pháp quyền hoặc được gọi là nhà nước pháp quyền ở đâu trên thế giới cũng đều có những nét riêng, không hoàn toàn giống nhau.

– Nhà nước pháp quyền cũng không vì mục tiêu ban hành nhiều luật và cũng không chỉ yêu cầu tuân thủ pháp luật. Vượt qua nguyên tắc „pháp chế xã hội chủ nghĩa”, nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu về tính chính đáng và hợp hiến của nhà nước và pháp luật.

– Có những cách tiếp cận khác nhau đi đến những khái quát không giống nhau về bản chất của nhà nước pháp quyền như:

+ Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó, quan hệ giữa nhà nước và công dân là quan hệ bình đẳng qua lại về quyền và nghĩa vụ pháp lý

+ Nhà nước pháp quyền là nhà nước nhân quyền

+ Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ.

+ Nhà nước pháp quyền là nhà nước quyền lực bị hạn chế và giám sát.

+ Nhà nước pháp quyền là Nhà nước pháp trị.

+ Nhà nước pháp quyền là nhà nước hợp hiến

Tuy nhiên, trên cơ sở những yêu cầu hay đặc trưng phổ biến về nhà nước pháp quyền, xem xét dưới bối cảnh của chế độ chính trị Việt Nam, chúng ta đã đạt được nhận thức khá thống nhất về đặc trưng của chế độ nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam như sau:

– Nhà nước pháp quyền Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam;

– Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ và bảo đảm thực thi dân chủ;

– Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm thực hiện;

– Quyền lực nhà nước bị giới hạn và kiểm soát;

– Sự ngự trị của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội;

– Nhà nước gắn bó mật thiết với xã hội dân sự (nay được gọi là xã hội công dân );

– Nhà nước thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế.

Một số vấn đề lý luận về nhà nước pháp quyền ở nước ta tiếp tục làm sáng tỏ :

1.Về đặc trưng đặc thù của nhà nước pháp quyền XHCN là do Đảng cộng sản lãnh đạo .Ở đây, có một vấn đề khác lớn nhất trong đặc trưng của trật tự nhà nước pháp quyền Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản, mà điều này còn được ghi nhận trong  hiến pháp. Dưới ánh sáng của nhà nước pháp quyền và khoa học pháp lý, vấn đề này còn tiếp tực tranh luận  như sau:

Một là, do các quy định của Hiến pháp cần được cụ thể bằng luật để  thực hiện. Vì vậy, thực hiện điều 4 Hiến pháp 2013 hiện nay cần được cụ thể hoá bằng một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam (không phải là luật về các đảng phái chính trị ở các quốc gia phương Tây). Làm việc này là cần thiết để (i) tạo quy trình và nền tảng pháp lý vững chắc cho sự lãnh đạo của Đảng theo pháp luật (như điều 4 đã khẳng định : Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật ..); (ii) tạo cơ sở pháp lý cho tính hợp hiến của sự lãnh đạo và cũng là để ngăn ngừa nguy cơ độc đoán, bao biện làm thay của Đảng đối với nhà nước và xã hội.

Hai là, có một luật về sự lãnh đạo của Đảng sẽ là cơ hội tốt để chuyển  các đường lối chính sách, nghị quyết của Đảng thành pháp luật mà trong nhà nước pháp quyền mọi mối quan hệ được quy định bằng công cụ pháp luật có tính cưỡng chế chung. Theo tinh thần nhà nước pháp quyền, nghị quyết của Đảng chỉ bắt buộc với Đảng viên còn pháp luật thì bắt buộc với mọi thành viên trong xã hội.

Đây chính là vấn đề đã được đặt ra song ý kiến, quan điểm còn khác nhau nhiều mà nguyên nhân của nó là còn chưa có sự thống nhất nhận thức về bản chất giá trị của nhà nước pháp quyền.

  1. Trong vấn đề dân chủ và quyền con người, hiện nay còn một khoảng cách trong quan niệm về dân chủ và quyền con người ở nước ta, nhưng thiếu những lý giải thuyết phục cho việc bảo đảm thực thi dân chủ và nhân quyền của Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong thực tế. Ở đây Dân chủ vừa là thể chế nhà nước , vừa là phương pháp dân chủ ; vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển măc dù đã đước xác định trong các văn kiện của Đảng và nhà nước ta, song vẫn còn khoảng cách giữa nhận thức và thực tế
  2. Quan hệ Nhà nước với các tổ chức xã hội

Trong quan hệ này, vai trò của các tổ chức xã hội đối với nhà nước là hợp tác với Nhà nước. Vai trò này khác với các tổ chức xã hội nhiều nước thường được gọi là các tổ chức của xã hội dân sự là đối trọng với nhà nước, bảo đảm sự cân bằng trong việc sử dụng quyền lực nhà nước so với yêu cầu của người dân. Theo Nghị quyết số 04-NQ/W ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì đòi phát triển “xã hội dân sự” là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tuy nhiên, nếu để các tổ chức xã hội trong quan hệ với Nhà nước pháp quyền chỉ “hợp tác” như thực tế hiện nay thì không mấy tác dụng, không có khả năng ảnh hưởng hoặc tạo sức ép cần thiết lớn đối với Nhà nước để thúc đẩy tính pháp quyền trong hoạt động của nó. Có vấn đề có tính nguyên tắc là Nhà nước pháp quyền mà không nằm trong ảnh hưởng, giám sát của xã hội thông qua các tổ chức xã hội của công dân thì không thể tốt được. Các tổ chức xã hội của công dân chính là người đại diện của họ, thay mặt họ thực hiện một phần quyền lực nhân dân.

Trong đòi hỏi của yêu cầu về ổn định chính trị, khoa học pháp lý cùng với khoa học chính trị hiện nay cần xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện các tổ chức xã hội Việt Nam về khả năng tổ chức và hoạt động của nó, xác định được các tiêu chí của tổ chức xã hội Việt Nam hiện đại, phù hợp với các yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

  1. Cuối cùng là vấn đề bảo hiến. Nhận thức mà đa số có được cho rằng, „tài phán Hiến pháp là vương miện của nhà nước pháp quyền”. Đây là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay để bảo vệ Hiến pháp – một đảm bảo của nhà nước pháp quyền. Về vấn đề này Đảng ta đã ghi nhận hai lần trong nghị quyết Đại hội X và XI. Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 vẫn chưa được hiến định. Theo tinh thần của chủ quyền nhân dân và nhà nước pháp quyền, Nhà nước đang nợ nhân dân một thiết chế/ cơ chế bảo vệ Hiến pháp

    Thiên Hương

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC