CN, 02 / 2022 10:10 chiều | vids

TS. Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

  1. Nhận thức, quan điểm chỉ đạo

– Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xây dựng là công cụ chủ yếu để quản trị nhà nước tốt, được tiếp tục hoàn thiện từ kết quả đổi mới, cải cách hơn 30 năm qua, hệ thống chính trị nước ta phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản trị đất nước trong bối cảnh mới.

– Bộ máy nhà nước trung ương (Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp) tiếp tục xác định chức năng, nhiệm vụ của mình trong quyết định chiến lược phát triển đất nước chuyển từ quản lý vi mô trước đây, sang quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật và kiểm tra thực hiện, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi trong nước và quốc tế; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, phù hợp cho chính quyền địa phương các cấp để tự chủ, tự chịu trách nhiệm với trung ương và nhân dân địa phương.

– Từng bước hiện đại hóa bộ máy nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, nhanh chóng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành của các cơ quan từ trung ương tới địa phương.

– Tăng năng lực quản trị quốc gia giữ vững độc lập, tự chủ và chủ động ứng phó với mọi sự thay đổi, huy động tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển đất nước nhanh, bền vững. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc – đoàn kết quốc tế trong tiến trình hiện đại hóa đất nước.

– Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, nhất là đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng: bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước, khắc phục sự song trùng 2 bộ máy (Đảng – Nhà nước) trong quản trị quốc gia.

  1. Các giải pháp cơ bản :

– Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) (Cương lĩnh 2011) là cơ sở để cương lĩnh được thực hiện trong thời gian tới. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước với 3 cơ quan quyền lực: Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp cùng các cơ quan độc lập gồm Kiểm toán Nhà nước và Hội đồng bầu cử quốc gia, là bộ máy quyền lực Nhà nước khá tương thích với các Nhà nước pháp quyền hiện đại. Các cơ quan này thời gian qua hoạt động theo các luật tổ chức tương ứng và vận hành khá tốt. Song cũng còn bộc lộ những bất cập cần tiếp tục đổi mới, tiếp tục hoàn thiện:

2.1. Về sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

– Quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước thuộc Quốc hội – một viện, tuy nhiên Chính phủ trong Khoản 2, Điều 96 Hiến pháp 2013 quy định: Chính phủ đề xuất xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; trình dự án luật, dự án ngân sách và các dự án khác trình Quốc hội. Do đó, ở nước ta không chỉ có Quốc hội, mà Chính phủ là cơ quan tham gia xây dựng chính sách pháp luật là chủ yếu. Vì vậy, Quốc hội có trách nhiệm chính là thảo luận thông qua chính sách, pháp luật.

Việc tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội thay vì cơ cấu, để các đại biểu thực sự tiêu biểu, tinh hoa trong nhân dân và có tỷ lệ chuyên nghiệp ngày càng tăng. Hiện nay Quốc hội ta vẫn là Quốc hội nhân dân – tính mặt trận còn cao.

Mặt khác, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực của dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của dân, song phải triển khai thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng bằng chính sách, pháp luật nhà nước nên cần nghiên cứu sâu sắc các đường lối, chủ trương của Đảng để cụ thể hóa nó bằng các dự án luật một cách chủ động. Cơ quan nghiên cứu lập pháp cần được đầu tư cần thiết để tham mưu tốt vấn đề này.

Các kỳ họp Quốc hội cần bố trí từ 2ky/năm sang 4 kỳ họp/năm với thời gian 10 ngày/kỳ, để kịp thời xem xét, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật khi thực tế đòi hỏi, khi Quốc hội ta chưa chuyên nghiệp (trong khi Quốc hội các nước chuyên nghiệp họp 10 tháng/năm). Kỳ họp Quốc hội phải thực sự là diễn đàn thể hiện ý chí, nguyện vọng của dân và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách kịp thời trước sự thay đổi.

2.2. Chính phủ được Hiến pháp 2013 hiến định chức năng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và chấp hành của Quốc hội. Đây là kết quả của tiến trình đổi mới, cải cách hành chính để xây dựng một Chính phủ hành pháp mạnh – một hệ thống hành chính nhà nước thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, được phân công rành mạch, có đủ quyền năng và công cụ hiến định thực thi pháp luật trong Nhà nước pháp quyền.

– Trong thời gian tới 2045, cải cách hành chính cần xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình đổi mới, cải cách cơ bản bộ máy nhà nước theo các tiêu chuẩn đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam:

+ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trước hết là một nhà nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, do đó, các thể chế dân chủ phải tôn trọng, đảm bảo quyền của dân, các cơ quan nhà nước chỉ được phép thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền do luật pháp quy định, còn người dân được tự do làm mọi việc mà pháp luật không cấm. Do đó, hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo yêu cầu trên đây là nhiệm vụ trọng tâm.

+ Chính phủ đề cao trách nhiệm trong quản trị Nhà nước bằng pháp luật. Đề xuất chính sách, pháp luật theo hướng phục vụ mọi yêu cầu dân, doanh nghiệp để phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Khuyến khích mọi cống hiến, sáng tạo của toàn dân, thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển nhanh, bền vững tới 2045 đạt trình độ phát triển cao cùng thế giới.

+ Triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ, công nghệ thông tin trông cuộc Cách mạng 4.0, nhất là nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của cuộc đại khủng hoảng toàn cầu do hậu quả của đại dịch COVID hiện nay, để nhận thức lại mô hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước phù hợp với tiến trình hiện đại hóa, tăng tốc phát triển trong điều kiện mới. Thực sự đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam và cả thế giới, đòi hỏi phải đổi mới quản trị nhà nước, quản trị quốc gia một cách hiệu quả, phù hợp.

– Về cải cách cơ cấu lại bộ máy chính phủ theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương để địa phương có đủ điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng địa phương và với chính quyền cấp trên. Có thể đặt mốc Chính phủ 2030: có 20 bộ, cơ quan ngang bộ và tới 2045 có số lượng 16 bộ, cơ quan ngang bộ. Còn các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động như một doanh nghiệp xã hội (ví dụ: lập Hãng phát thanh – truyền hình quốc gia từ Đài truyền hình và Đài phát thanh  hiện nay…)…

– Xây dựng thể chế công vụ – công chức chuyên nghiệp trong một nền hành chính hiện đại. Hoàn chỉnh chế độ vị trí việc làm trong công vụ – có đội ngũ công chức thực tài; có đạo đức và văn hóa công vụ theo yêu cầu là “công bộc” của dân.

2.3. Tập trung thực hiện cải cách tư pháp theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, với một nền tư pháp độc lập trong xét xử, công lý được bảo vệ.

– Thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, là đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền:

+ Xác định duy nhất chỉ có Tòa án thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền, chuyển Viện Kiểm soát về thuộc hành pháp và đổi tên là Viện Công tố thuộc Chính phủ. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, do đó, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện do các cơ quan hành chính thực hiện quyền hành pháp mới là cơ quan thực hiện quyền công tố.

+ Cơ cấu lại quyền tư pháp theo hướng tách hành chính tư pháp ra khỏi quyền xét xử của tòa án.

+ Về cơ chế: Tòa án được tổ chức 2 cấp độc lập: Tòa sơ thẩm theo khu vực và phúc thẩm theo cấp tỉnh, thành phố. Điều này làm cho tòa án thực sự độc lập, không có cấp trên, cấp dưới. Tòa án tối cao có chức năng xét sử phúc thẩm, tổng kết xét xử và ban hành án lệ.

– Tòa án xét xử, phán quyết có tội trên cơ sở tranh tụng tại tòa với sự tham gia của luật sư do bị can lựa chọn hoặc nhà nước hỗ trợ và luật sư được quyền tham gia điều tra tố tụng ngay từ đầu. Đây là đặc trưng của nền tư pháp trong thể chế của Nhà nước pháp quyền cần được tôn trọng và thực hiện.

– Tổ chức lại hệ thống tư pháp thực hiện quyền tư pháp trong mối quan hệ với lập pháp và hành pháp là một thách thức phải vượt qua để xây dựng một Nhà nước pháp quyền của một Nhà nước Viết Nam hiện đại tới năm 2045.

2.4. Do hệ thống chính trị đặc thù của Việt Nam, Nhà nước pháp quyền XHCN đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng duy nhất cầm quyền cần được làm rõ chức năng, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Không lẫn lộn giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Toàn bộ quá trình lãnh đạo của Đảng là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị của bộ máy nhà nước pháp quyền.

Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung khái niệm “cầm quyền” của Đảng cần được làm rõ: Lênin trong lãnh đạo cách mạng lật đổ chính quyền cũ đã nêu, sứ mệnh của mọi cuộc cách mạng là vấn đề giành chính quyền. Vì vậy, khi đã có chính quyền trong tay, Đảng cần sử dụng Bộ máy nhà nước để thực hiện các mục tiêu cầm quyền của Đảng. Do đó, Đảng cầm quyền không có nghĩa làm thay Nhà nước mà chính Đảng lãnh đạo xã hội, phát triển đất nước phải bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.

Tóm lại, nhiệm vụ đổi mới, cải cách cơ bản bộ máy nhà nước trong giai đoạn phát triển mới tới 2030 và 2045 cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, với lộ trình chặt chẽ khoa học để Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từng bước hiện đại, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước có thu nhập cao vào năm 2045./.

Nguyễn Vũ

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC