Sáng 09/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội thảo quốc gia thường niên về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế lần thứ nhất. Đây là chuỗi sự kiện do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức đồng tổ chức.
Trong diễn văn khai mạc, TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, cho rằng trong xã hội tri thức và nền kinh tế tri thức, tri thức và trí tuệ là một dạng tài sản cần được bảo vệ bằng công cụ bản quyền và quyền sao chép.
Phân tích sâu hơn nội dụng này, PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, cho rằng: “Trong xã hội tri thức, hệ thống sở hữu trí tuệ là xương sống của nền công nghiệp và nền văn hóa của một quốc gia”. Ông nhìn nhận, việc bảo vệ tài sản trí tuệ thời gian qua chưa được coi trọng ở Việt Nam và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta không thể đứng ngoài “cuộc chơi” của thế giới. Do đó, ông đề nghị cần đánh giá đúng sự thật, nhìn thẳng sự thật, làm rõ bản chất, quy luật vận động và xu hướng phát triển của vấn đề, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả cho việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam khẳng định, bản quyền và quyền sao chép là một trong các hình thái quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc tổ chức Hội thảo về bản quyền và quyền sao chép là một hình thức xã hội hóa hoạt động chăm lo cho quyền lợi con người trong xã hội phát triển.
Phân tích về các yếu tố góp phần tăng cao thực trạng vi phạm quyền sao chép ở Việt Nam, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM cho rằng có phần do việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa nhất quán, ý thức của người thụ hưởng tài sản trí tuệ chưa cao. Nhưng nguyên nhân có tính gốc rễ là ý thức tự bảo vệ của chính chủ sở hữu tài sản trí tuệ. “Tự mình không có ý thức bảo vệ mình thì khó có thể có cách bên ngoài để bảo vệ mình”.
Từ các kinh nghiệm chuyên sâu của mình, bà Lê Thị Minh Hằng – Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Tác quyền, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, chỉ ra các góc nhìn chuyên môn, tác nghiệp, kỹ thuật và hiệu quả trong việc thực hiện phương thức đại diện tập thể và bảo vệ chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ pháp lý hữu hiệu để tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Trung tâm Pháp luật và Tác quyền đang đi đầu trong hỗ trợ, đồng hành cùng chủ sở hữu tài sản trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức và chủ động xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.
Là đại diện đơn vị tiên phong tại Việt Nam từ nhiều năm qua trong lĩnh vực quản trị tài sản trí tuệ, TS. Đào Minh Đức, Viện trưởng Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức, chỉ ra cần bắt đầu toàn bộ câu chuyện quản trị tài sản trí tuệ tại Việt Nam từ việc làm rõ các khái niệm theo hướng đơn nghĩa để dễ thực thi.
Trong phần kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển khái quát: nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới ngày nay đều bắt nguồn từ nhận thức. Do đó, cần truyền bá nhận thức, xây dựng nhu cầu, và phát triển thị trường. Đó là mục đích cao nhất của chuỗi hội thảo quốc gia thường niên về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, nhằm cụ thể hóa thực thi các nội dung chuyên sâu của hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết các văn kiện xác lập quan hệ đối tác chiến lược trong nhiệm vụ bảo vệ chủ sở hữu tài sản trí tuệ tại Việt Nam thời gian tới./.
Hoài Vũ