T6, 08 / 2024 8:23 sáng | vids

Một số “tà đạo” như: “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, “Ân điển cứu rỗi”, “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn Diệu âm”,… tăng cường phục hồi hoạt động phức tạp trở lại tại một số địa phương như: Lai Châu, Hà Giang, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng,… “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã có các hoạt động vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến xã hội và nhân cách của người tin theo “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã gây bức xúc và phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 và sau một khoảng thời gian tạm lắng, gần đây “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã tăng cường qua các hoạt động trên không gian mạng hướng tới lực lượng học sinh, sinh viên qua việc mời tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, huấn luyện kỹ năng, hướng nghiệp và hoạt động dưới hình thức núp bóng các cửa hàng bảo hiểm, phòng khám tư nhân, quán cà phê, bán hàng online,… “Thanh Hải vô thượng sư” đẩy mạnh hoạt động trở lại tại một số địa phương núp bóng các quán cơm chay, cửa hàng bán hàng tiêu dùng, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật để thu hút và tập trung người tin theo.

1. Tác động của “tà đạo”, “đạo lạ” và những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp

Sự xuất hiện, hoạt động của “đạo lạ”, “tà đạo” có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Đặc biệt, hoạt động của các “tà đạo” vi phạm pháp luật thời gian qua đã tạo nhiều hệ lụy đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cụ thể như:

– Việc tập trung đông người ở nơi công cộng, phát tán “kinh sách”, chữa bệnh của “đạo lạ”, “tà đạo” khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là thực hiện không đúng quy định pháp luật ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

– Giáo lý của nhiều “đạo lạ”, “tà đạo” có nội dung phê phán các chức sắc, chức việc, đụng chạm đến niềm tin, giáo lý của các tôn giáo truyền thống,… gây ảnh hưởng đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đến công tác quản lý xã hội ở các địa phương.

– Nhiều “đạo lạ”, “tà đạo” mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, phản văn hóa, nguy hại đến sức khỏe người dân, cộng đồng vì chữa bệnh bằng những hành vi mê tín dị đoan; gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của người dân, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc.

– Nhận thức của những người tin theo “đạo lạ”, “tà đạo” nhiều khi thái quá, dễ bị thế lực xấu lôi kéo, lợi dụng, xúi giục tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

– Một số hoạt động chứa đựng nội dung chính trị, tuyên truyền chống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam gây mất ổn định về an ninh chính trị.

2. Một số giải pháp đối với tín ngưỡng, “tà đạo”, “đạo lạ” trong thời gian tới

Trong thời gian tới, các “đạo lạ”, “tà đạo” ngày càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức tinh vi hơn nhằm mở rộng địa bàn, lôi kéo người tin theo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để lôi kéo, tụ họp, đưa hoạt động ra bên ngoài nhằm tránh né việc xử lý vi phạm của các cấp chính quyền. Một số hiện tượng từ hoạt động lén lút có thể sẽ công khai hoạt động và tiếp tục đề nghị được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và đề nghị cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ tiếp tục lợi dụng các hiện tượng này để gây rối, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Một số vấn đề đặt ra trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như: (1) Toàn cầu hóa trong thời đại 4.0 làm cho sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra nhanh, mạnh, trong đó có cả sự tiếp biến thiếu chọn lọc làm cho công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo chưa kịp thời, chưa đúng hướng; (2) Hoạt động tín ngưỡng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa bị mai một nhưng chưa có biện pháp tổng thể để gìn giữ và phát huy; (3)

loại bỏ những tập tục không còn phù hợp, giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp; (4) Một số hiện tượng tín ngưỡng, “tà đạo” bị một số kẻ xấu lợi dụng theo chiều hướng dung tục hóa, phục vụ mục đích trục lợi, gây thiệt hại về tiền của, sức khỏe con người; gây mất trật tự an ninh, chính trị xã hội tại một số địa phương cần kiên quyết xóa bỏ.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo còn bộc lộ

nhiều hạn chế, bất cập cần tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, phù hợp với phong tục truyền thống của người Việt, không bị lôi kéo vào các hoạt động lợi dụng tín

ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật,

kích động, xúi giục số quần chúng cả tin, quá khích chống đối chính quyền, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng

Xuyên suốt tiến trình lịch sử, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên định chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa IX đã nêu “Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc…; đồng thời tạo cơ sở để đấu tranh với những tà đạo, những hoạt động mê tín dị đoan”. Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/9/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu nhiệm vụ “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng”. Để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đã có các văn bản pháp luật như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; các Nghị định của Chính phủ quy định về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số giải pháp đối với các hoạt động tín ngưỡng, “đạo lạ”, “tà đạo” trong thời gian tới:

– Tiếp tục tuyên truyền những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng để quần chúng nhân dân giữ gìn, phát huy; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tôn giáo, cộng đồng tín ngưỡng phát huy nguồn lực nội tại trong việc bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời phát hiện những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ và tôn vinh để họ yên tâm cống hiến cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

– Xây dựng các quy ước, hương ước, phong trào tự quản tại điểm dân cư, trong đó, có nội dung đấu tranh với những hiện tượng “tà đạo”; phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ các tôn giáo truyền thống trên địa bàn trong việc đấu tranh đối với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.

– Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là không gian thiêng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh, có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa cần được quan tâm hơn nữa trong công tác trùng tu, bảo vệ.

– Đối với những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, an ninh trật tự, xâm hại sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoạt động mê tín dị đoan, cần đấu tranh, ngăn chặn; vận động quần chúng nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy đúng quy định của pháp luật.

– Đẩy mạnh công tác quản lý thông tin qua Internet và xuất bản ấn phẩm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, “đạo lạ”, “tà đạo”; không đưa các tin, bài, phóng sự về các hiện tượng “tâm linh”, “ngoại cảm” chưa có kết luận khoa học, chưa rõ về bản chất hoạt động gây tâm lý hoang mang, để các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động khuếch trương thanh thế; kịp thời đưa tin, bài phản ánh những hoạt động vi phạm pháp luật của các “tà đạo”, đấu tranh và ngăn chặn không để phục hồi, tái lập hoặc hình thành các “tà đạo” mới. Tuyên truyền để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp nâng cao cảnh giác, tiếp nhận có chọn lọc các khoản viện trợ, tài trợ, không để các nhóm “tà đạo” lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo để phát triển.

– Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để chia sẻ thông tin nhất là thông tin liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật của những người tham gia các “tà đạo”, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất phương hướng giải quyết.

– Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa nhất là đối với những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đang vướng mắc chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần đảm bảo ổn định xã hội, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo.

Bộ Nội vụ, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, luôn đảm nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; luôn đồng hành, hướng dẫn để các tổ chức tôn giáo thực hiện đúng đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và tích cực lan tỏa những giá trị của đạo đức tôn giáo trên tinh thần từ bi, bác ái, vị nhân sinh. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc nắm tình hình “đạo lạ”, “tà đạo”, kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật của các “tà đạo”; tiếp tục vận động để chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo nhìn nhận đúng bản chất của “đạo lạ”, “tà đạo”, vận động nhân dân không tin theo các “tà đạo”. Đây không phải là trách nhiệm riêng của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội.

Chúng ta đã biết, dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tốt đẹp, giàu bản sắc, với sức sống lâu bền và tất cả những giá trị tốt đẹp đó cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy vậy, cần phải đánh giá đúng đắn những giá trị văn hóa đích thực, những hạn chế và xu hướng phát triển của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Từ đó, xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách, pháp luật phù hợp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, phù hợp với lợi ích của dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo Khang

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC