TS. Thang Văn Phúc –Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
CƠ SỞ CHÍNH TRỊ – PHÁP LÝ CỦA ĐỔI MỚI – CẢI CÁCH BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
Nhà nước pháp quyền là phạm trù của khoa học chính trị và pháp lý được ghi nhận lần đầu tiên ở Nhà nước Việt Nam trong Hiến pháp 1992 và chính thức được hiến định trong phiên bản Hiến pháp 2001. Mặc dù, Cương lĩnh 1991 đã xác định: chuyển từ Nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước có tính pháp quyền, nhưng lúc đó nhận thức về Nhà nước pháp quyền còn đơn giản, chưa bản chất, còn hiểu Nhà nước pháp quyền là một kiểu hay hình thức nhà nước đồng nghĩa với nhà nước pháp trị – nhà nước có nhiều luật, với một bộ máy nhà nước cụ thể.
– Sau một thời gian dài nghiên cứu của các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý với các chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước (1991-2000) và (2001-2010), chúng ta đã tiếp cận được những giá trị căn bản của Nhà nước pháp quyền:
+ Nhà nước pháp quyền không phải là hình thức nhà nước và cũng không phải là một nhà nước hiện thực, mà nó là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước gắn liền, đặt tương quan với pháp luật, sự thượng tôn pháp luật với một tập hợp các yếu tố, nguyên tắc.
– Nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu về tính chính đáng và hợp hiến của Nhà nước và pháp luật.
– Trên cơ sở yêu cầu và đặc trưng phổ biến về Nhà nước pháp quyền, xem xét trong bối cảnh của chế độ chính trị nước ta, đã đạt được nhận thức khá thống nhất về đặc trưng của chế độ Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam như sau:
(1) Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ và đảm bảo thực thi dân chủ.
(2) Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm.
(3) Quyền lực Nhà nước bị giới hạn và kiểm soát.
(4) Sự ngự trị của pháp luật trong đời sống, Nhà nước và xã hội.
(5) Nhà nước gắn bó mật thiết với xã hội dân sự (nay gọi là xã hội công dân ở nước ta).
(6) Nhà nước thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quốc tế.
(7) Nhà nước pháp quyền Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (tính đặc thù của thể chế chính trị Việt Nam).
Đổi mới, cải cách bộ máy Nhà nước một cách căn bản trên nền tảng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là đường lối xuyên suốt và nhất quán từ Đại hội VI và nhất là xác định nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội VII và được cụ thể hóa trong Nghị quyết các Đại hội VIII, IX, X, XI, XII, XIII cùng hàng loạt các nghị quyết chuyên đề đã được triển khai thực hiện trong thực tế.
– Công cuộc cải cách bộ máy nhà nước đồng bộ trên cả lập pháp, hành pháp và tư pháp với cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình đổi mới, cải cách và hội nhập quốc tế toàn diện.
– Cương lĩnh 2011, được tiếp tục khẳng định tại Đại hội XIII (2021) và Hiến pháp 2013 tiếp tục là cơ sở chính trị – pháp lý cho tiến trình cải cách xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam theo lộ trình hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững với các mốc 2030 và 2045.
Việt Dũng